1. Đặc điểm chung
Thành phần tham gia kênh phân phối dược phẩm tại Việt Nam gồm có các nhà bán buôn là nhà sản xuất có hệ thống phân phối, nhà bán buôn các cấp, công ty làm dịch vụ bảo quản tồn trữ thuốc (logictics) có sự tham gia của các hãng dược phẩm đa quốc gia và văn phòng đại diện cũng như các doanh nghiệp dược vốn đầu tư 100 % nước ngoài (FDI), các trung tâm thương mại dược phẩm và mỹ phẩm (chợ thuốc tại hai thành phố lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh). Trong số nhà bán buôn nhiều cấp còn thêm những người về mặt pháp luật họ đăng ký nhà bán lẻ nhưng thực chất ngoài bán lẻ còn tham gia mạng lưới bán buôn dược phẩm ở các tỉnh các khu vực vùng miền.
Nhà bán lẻ: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế, nhà thuốc bán các sản phẩm thuốc cổ truyền. Chuỗi các nhà thuốc, quầy thuốc của các công ty cổ phần dược phẩm vốn là các công ty dược thuộc hệ thống phân phối quốc doanh. Chuỗi nhà thuốc do công ty có chuỗi nhà thuốc bán lẻ điều hành và các chuỗi nhà thuốc cùng một chủ sở hữu nhưng không đăng ký hình thức công ty có chuỗi nhà thuốc. Theo Luật dược 2016 còn thêm hình thức kinh doanh kệ thuốc (kinh doanh thuốc OTC ở các cửa hiệu tạp hóa, siêu thị hàng tiêu dùng), khoa dược bệnh viện cấp phát thuốc theo bảo hiểm y tế hoặc điều trị nội trú, nhà thuốc bệnh viện cung cấp thuốc ngoài danh mục chi trả của bảo hiểm y tế hoặc cung cấp thuốc cho người không có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm y tế thương mại. Phòng khám tự mua về bán cho người bệnh (không được pháp luật công nhận trừ thuốc cấp cứu) hoặc có có đăng ký nhà thuốc thuộc sở hữu của phòng khám.
Kênh phân phối nhiều tầng nhiều lớp không chỉ nhà bán buôn cấp một, cấp hai nhiều khi còn nhiều cấp khiến cho thuốc phải đi vòng vèo mới đến tay người tiêu dùng do đó thường đội giá đặc biệt các sản phẩm nhập khẩu có thể chênh lệch lên tới vài trăm phẩn trăm so với giá gốc. Báo Sức Khỏe và Đời sống Cơ quan Ngôn luận của Bộ Y tế tháng 11 năm 2008 có bài viết bình luận về “Những bất cập của hệ thống phân phối dược phẩm ở Việt Nam”, Báo Nhịp cầu đầu tư cũng có bài viết “Ma trận phân phối dược phẩm và con đường đầu tư” tháng 8 năm 2011 miêu tả hệ thống phân phối dược phẩm ở Việt Nam.
Số lượng: gần 1.600 nhà bán buôn và khoảng 400 doanh nghiệp nước ngoài tham gia cung ứng thuốc (dưới nhiều hình thức), 40.000 nhà bán lẻ.
2. Quy định pháp chế
Kinh doanh thuốc là loại hình kinh doanh có điều kiện ngoài yêu cầu chủ thể kinh doanh phải có đăng ký kinh doanh để chấp hành các yêu cầu chung của pháp luật kinh doanh và nộp thuế đẩy đủ, các chủ thể kinh doanh này còn phải thực hiện yêu cầu của pháp luật đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện bao gồm phải có người phụ trách chuyên môn có chứng chỉ hành nghề về dược phù hợp theo yêu cầu của pháp luật. Đối với các nhà sản xuất tham gia phân phối thuốc, nhà bán buôn cấp một, cấp hai hợp pháp, các nhà thuốc, công ty điều hành chuỗi nhà thuốc và các nhà thuốc thành viên trong chuỗi đều phải có dược sỹ đại học chịu trách nhiệm chuyên môn, quản lý, giám sát chất lượng thuốc ở cơ sở và thực hiện các yêu cầu pháp luật phù hợp loại hình kinh doanh.
Quầy thuốc (không được kinh doanh tại các phường ở các thành phố trực thuộc trung ương Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ) người phụ trách chuyên môn là dược sỹ có trình độ từ trung học trở lên. Nhà thuốc bán các sản phẩm thuốc cổ truyền người phụ trách chuyên môn từ trung cấp dược hoặc trung cấp y học cổ truyền trở lên. Các thành viên kênh phân phối từ quầy thuốc trở lên đều phải có hệ thống quản lý chất lượng đạt các nguyên tắc và tiêu chuẩn thực hành tốt (thực hành tốt GxP) có giá trị ba năm, sau ba năm phải thẩm định cấp lại.
Thực hành tốt bảo quản thuốc (Good Storage Practices) áp dụng đối với nhà xuất nhập khẩu trực tiếp thuốc và chuỗi nhà thuốc muốn được xuất nhập khẩu trực tiếp thuốc. GDP Thực hành tốt phân phối thuốc (Good Distribution Practices) áp dụng cho các nhà bán buôn và GPP Thực hành tốt nhà thuốc (Good Pharmacy Practice) áp dụng cho nhà thuốc và quầy thuốc.
Văn phòng đại diện các hãng dược phẩm nước ngoài phải lách luật để kinh doanh bằng cách nhập khẩu và kinh doanh qua một đơn vị nhập khẩu thuốc trong nước. Tủ thuốc của trạm y tế người phụ trách chuyên môn yêu cầu dược tá hoặc y sỹ trở lên. Sau khi được cấp chứng nhận thực hành tốt các nhà thuốc, quầy thuốc xin sở y tế nơi kinh doanh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc một lần cho cả quá trình hoạt động nhiều năm. Hình thức kinh doanh kệ thuốc yêu cầu phải đăng ký kinh doanh, người phụ trách chuyên môn tối thiểu có bằng sơ cấp về dược, có điều kiện bảo quản thuốc theo yêu cầu của nhà sản xuất (ghi trên bao bì sản phẩm), chỉ được kinh doanh những loại thuốc theo danh mục do Bộ Y tế quy định.
3. Vai trò trong kênh phân phối
Nhà sản xuất lớn có kênh phân phôi, nhà bán buôn cấp một có ảnh hưởng lớn tới thị trường. Họ có thể chi phối giá cả, nguồn hàng đặc biệt các sản phẩm nhập khẩu độc quyền phân phối. Những nhà phân phối này ngoài cơ sở chính ở ba thành phố lớn như lớn Hà Nội, Đà nẵng, thành phố Hồ Chí Minh họ còn xây dựng các đại lý, các chi nhánh hoặc cắm đội ngũ bán hàng đến từng tỉnh hoặc từng khu vực như miền Bắc (đông Bắc Bộ, tây Bắc Bộ, bắc Trung Bộ), miền Trung (nam Trung Bộ, Tây Nguyên), miền Nam (miền đông Nam Bộ, miền tây Nam Bộ)… tại các khu vực trên hoặc các tỉnh cũng có các nhà phân phối cấp hai có thể chi phối toàn khu vực hoặc cả tỉnh.
Hình thức “trung tâm thương mại dược phẩm và mỹ phẩm” (chợ thuốc tại hai thành phố lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh). Mặc dù quầy thuốc ở các chợ thuốc về danh nghĩa là quầy của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc nhưng vẫn có hiện tượng thuê pháp nhân, thuê tên dược sỹ đứng quầy của những chủ thực sự. Những người này không có hiểu biết nhiều về chuyên môn và pháp chế dược họ chỉ chú trọng đến kiếm được nhiều tiền nên vi phạm pháp luật kinh doanh cũng như pháp chế chuyên ngành nhiều khi rất trầm trọng. Để giảm chi phí những người này thường thuê chung một ô được thiết kế cho một quầy nhằm giảm các chi phí thuê pháp nhân, thuê dược sỹ, đóng thuế, thuê mặt bằng. Chính vì vậy giới kinh doanh thuốc vẫn gọi những trung tâm này là “chợ”.
Tuy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng việc kinh doanh của các quầy ở “chợ thuốc” còn khá nhiều bất cập như chấp hành pháp luật kinh doanh: Không phát hành hóa đơn VAT cho người mua (nhà bán lẻ). Xuất xứ hàng hóa không rõ ràng, hàng hóa không được lưu hành hợp pháp tại Việt Nam (không có số đăng ký với Bộ Y tế Việt Nam như hàng sách tay, hàng nhập lậu, cả hàng không được phép đưa vào hệ thống lưu thông phân phối: hàng mẫu, hàng các chương trình y tế quốc gia, hàng viện trợ và hàng sắp hết hạn sử dụng…). Những thuốc phải kiểm soát đặc biệt không được phép bán tại các quầy ở “chợ thuốc” như thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần nhưng vẫn có thể mua được, hoặc các chế phẩm có thuốc tiền chất có thể mua số lượng lớn người bán không cần biết người mua sử dụng vào mục đích gì (chế phẩm có pseudephedrin tiền chất tổng hợp methamphetamin-ma túy đá)… Bán hàng không đúng đối tượng (những người tham gia buôn thuốc đường dài, không có chức năng kinh doanh thuốc và tất nhiên họ cũng không có phương tiện vận chuyển thuốc đảm bảo chất lượng thuốc không biến đổi trong quá trình vận chuyển). Bán lẻ thuốc trực tiếp cho người tiêu dùng kể cả thuốc kê đơn (điều kiện kinh doanh thuốc chỉ được bán buôn). Điều kiện bảo quản thuốc có vấn đề (do chia đôi diện tích nên thuê nơi tồn trữ bên ngoài không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật bảo quản). Do đó không thể tránh khỏi hàng hóa kém chất lượng, hàng giả (đặc biệt là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm). Có thể nói kinh doanh tại “chợ thuốc” có quá nhiều bất cập. Nhà nước thất thu thuế (cả bán buôn và bán lẻ-nhà bán lẻ không thể diễn giải đầu vào nên cơ quan thuế phải áp dụng hình thức khoán thuế doanh thu). Gây nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và cộng đồng cũng như có thể gây bất ổn xã hội đối với tội phạm ma túy.
Tại một số tỉnh một số khu vực đã nêu ở phần trên cũng có các nhà bán buôn cấp hai tồn tại trong một số chợ thương mại đứng ra làm dịch vụ phân phối thuốc. Những người này cũng thường mắc vi phạm như những quầy tại các “chợ thuốc” và họ thường chỉ đăng ký nhà thuốc bán lẻ không đăng ký bán buôn do đó không chỉ sai về đối tượng bán hàng (chỉ được bán lẻ cho người tiêu dùng không được bán buôn) họ còn mắc nhiều lỗi khác như không có kho đủ điều kiện kỹ thuật bảo quản, trốn thuế…
Tóm lại do hệ thống phân phối thuốc ở Việt Nam khá phức tạp nhiều tầng nhiều lớp, nhiều đối tượng tham gia vào kênh phân phối. Trong đó không ít đối tượng thiếu hiểu biết về pháp luật kinh doanh, pháp chế dược khiến thuốc phải qua nhiều tầng nhiều nấc mới tới được người tiêu dùng làm tăng giá nhiều lần.
Trong khi chưa có chính sách giá áp dụng “thặng số bán buôn toàn chặng” nên người bệnh thường phải trả nhiều tiền hơn. Cũng do có những đối tượng tham gia không chính thức vào kênh phân phối (người buôn đường dài không được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thuốc, nhà bán lẻ kinh doanh ngoài phạm vi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thực hiện hành vi bán buôn) nên chắc chắn chất lượng thuốc không bảo đảm, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ xuất xứ, có cơ hội len lỏi vào các kênh phân phối thuốc.
Tham khảo